Lượt xem: 2678

Kinh tế hợp tác - “bệ đỡ” để phát triển nông nghiệp bền vững

Trong những năm gần đây, thay vì làm ăn riêng lẻ theo từng hộ, nông dân Sóc Trăng đã mạnh dạn chuyển sang liên kết tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao bán ra thị trường. Sự ra đời của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác đã góp phần giải quyết ổn thỏa vấn đề tiêu thụ khi sản phẩm làm ra đã từng bước đáp ứng tốt yêu cầu từ các công ty, doanh nghiệp.

    Sóc Trăng là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp; kinh tế nông nghiệp chiếm gần 50% tổng cơ cấu kinh tế toàn tỉnh. Chính vì vậy, xây dựng mô hình hợp tác hoạt động hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm; hướng đến mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân tỉnh nhà đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp nơi đây trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Sự ra đời của các tổ hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng tăng và thu hút rất đông người dân tham gia. Cụ thể là cứ mỗi năm trên địa bàn tỉnh lại có từ 07 đến 10 hợp tác xã và từ 50 đến 100 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp được thành lập. Đồng chí Thái Thanh Tân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Sóc Trăng có 186 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Số lượng phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác tăng dần theo từng năm, điều này cho thấy nhận thức của người dân về làm ăn hợp tác ngày càng được nâng lên, người dân đã thấy rõ những lợi ích của việc hợp tác sản xuất so với làm ăn cá thể, nhỏ lẻ. Các hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập theo tinh thần tự nguyện, dân chủ, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ nông sản có hiệu quả. Nhìn chung, nội dung hoạt động của các hợp tác xã ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực hỗ trợ cho các thành viên tham gia như sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn, áp dụng giải pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tiêu chuẩn VietGAP, ASC trong quá trình canh tác để nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua thực tiễn hoạt động cũng cho thấy thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác đã nhận thức và hiểu rõ quy định Luật Hợp tác xã, nghị định và thông tư hướng dẫn có liên quan”.


Kinh tế tập thể góp phần thúc đẩy quá trình liên kết chuỗi trong sản xuất nông sản.

 

    Bên cạnh đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế tập thể thì việc tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình hợp tác xã để tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản cũng là một nhu cầu mang tính tất yếu và luôn được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng chú trọng. Cụ thể, trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng trình Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết số 03/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, Sở cũng xây dựng trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 118 triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và hỗ trợ triển khai thực hiện, nên số lượng hợp tác xã thực hiện liên kết với doanh nghiệp ngày càng nhiều: Đến nay trên địa bàn có 54 hợp tác xã và 371 tổ hợp tác trong nông nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp, công ty,... và diện tích có hợp đồng liên kết bao tiêu trên cây lúa là trên 53.173 ha.

    Trong lĩnh vực cây ăn trái tiêu biểu có Hợp tác xã nông nghiệp Trinh Phú, Quyết Thắng, Lộc - Mãi ký hợp đồng với Công ty Vina T&T (Thành phố Hồ Chí Minh), Công ty Chánh Thu (tỉnh Bến Tre); riêng Hợp tác xã bưởi Thành Công cũng đã liên kết với Công ty Cổ phần VINAGREENCO cung ứng cho các hệ thống siêu thị trong nước trên 200 tấn bưởi; điểm sáng về hiệu quả liên kết sản xuất là đã liên kết xuất khẩu sang thị trường Mỹ trên 67 tấn vú sữa tím và trên 60 tấn bưởi...

    Hợp tác xã bưởi Thành Công ở ấp Kinh Giữa, xã Kế Thành, huyện Kế Sách có ngành nghề hoạt động chính là sản xuất và mua bán bưởi trái. Sau hơn 02 năm thành lập và hoạt động, đến nay Hợp tác xã đã mang lại nhiều kết quả phấn khởi, với mô hình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên cây bưởi có hiệu quả không những giúp các thành viên giảm được chi phí sản xuất mà còn đem lại lợi nhuận cao cho bà con, góp phần làm tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người dân. Cụ thể: Mô hình sản xuất cây bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã được triển khai từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2019. Trong thời gian này, HTX đã được các đơn vị chuyên môn tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ chủ chốt của hệ thống quản lý chất lượng và nhà vườn trồng bưởi về tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng; tạo ra sản phẩm trái bưởi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc. Sau thời gian thực hiện mô hình đạt hiệu quả, Hợp tác xã bưởi Thành Công đã được trao giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 37,3 ha, sản lượng 746 tấn, của 28 hộ thành viên. Đồng thời, Hợp tác xã cũng đăng ký và được cấp 4 mã số vùng trồng (mã code) để đủ điều kiện xuất khẩu trái bưởi. Nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP và được cấp mã số vùng trồng, trong năm 2019, Hợp tác xã đã hợp đồng cung ứng hơn 60 tấn bưởi để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, lợi nhuận cho thành viên 210 triệu đồng/thành viên so với bán cho thương lái bên ngoài. Trong năm 2020, được sự hỗ trợ của Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh giới thiệu Công ty Cổ phần VINAGREENCO thu mua của Hợp tác xã bưởi Thành Công 132 tấn bưởi (trong đó, bưởi da xanh là 121 tấn, bưởi 5 roi là 11 tấn) và thu mua của bà con ở vùng lân cận 274 tấn. Hiện tại, công ty đã ký kết hợp đồng với Hợp tác xã bưởi Thành Công thu mua số lượng bưởi hàng tháng từ 100 - 200 tấn.  Ngoài ký kết hợp đồng theo thời vụ, Hội đồng quản trị Hợp tác xã còn tranh thủ hướng dẫn các thành viên chăm sóc và cho trái nghịch mùa để bán có giá theo nhu cầu thị trường, nhằm tăng thêm thu nhập. Trong năm 2020, Hợp tác xã  cũng đã có 02 sản phẩm gồm bưởi da xanh và bưởi năm roi được  đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Anh Lê Văn Phải - Giám đốc Hợp tác xã bưởi Thành Công cho biết: “Khi chưa tham gia hợp tác xã, chưa xây dựng được liên kết chuỗi với công ty tiêu thụ thì nhiều bà con trồng bưởi tại địa phương vẫn còn chịu phụ thuộc giá cả từ thương lái, có khi bưởi thu hoạch không có chỗ bán ra. Từ ngày tham gia Hợp tác xã và ký kết tiêu thụ được với công ty thì bưởi khi thu hoạch đều được công ty thu mua toàn bộ, bưởi tốt thì giá cao, bưởi loại nhỏ thì giá thấp hơn. Nói chung là trái cỡ nào cũng được thu mua chứ không bị bỏ lại”.

    Hợp tác xã Nông ngư 14/10 ở ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên là một trong những Hợp tác xã hoạt động rất thành công trong lĩnh vực nuôi tôm nước lợ. Năm 2015, đây cũng là Hợp tác xã đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng đạt chứng nhận nuôi tôm VietGAP. Không dừng lại đó, Hợp tác xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng dưới sự thúc đẩy của WWF, ICAFIS và Chi cục Thủy sản để thực hành nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC nhằm đạt đủ điều kiện xuất khẩu sang Châu Âu. Từ năm 2017 đến nay, Hợp tác xã Nông ngư 14/10 còn mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang nuôi tôm bằng ao lót bạt giúp ao nuôi hạn chế rủi ro thiệt hại, nâng cao năng suất và chất lượng tôm nuôi. Từ vài ao nuôi thí điểm, đến nay toàn Hợp tác xã đã phát triển được 17 ao nuôi lót bạt với tổng diện tích là 13 ha. Tính riêng trong vụ nuôi năm 2020, hình thức nuôi này đã mang đến cho Hợp tác xã sản lượng tôm vượt gần 30 tấn so với năm 2019. Chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận tăng đều theo từng năm, đặc biệt là tôm thu hoạch không còn bị thương lái ép giá; đã giúp các thành viên phấn khởi và yên tâm đầu tư sản xuất. Hiện nay có 12/23 hộ thành viên khá giàu còn lại là hộ trung bình, không còn hộ nghèo - cận nghèo. Trong năm 2020, Hợp tác xã Nông ngư 14/10 cũng là một trong số mười lăm hợp tác xã trên địa bàn tỉnh được đầu tư kinh phí 04 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để xây dựng trụ sở, làm đường, nâng cấp hệ thống điện để phục vụ tốt hơn cho quá trình hoạt động sản xuất cũng như nhu cầu vận chuyển khi thu hoạch. Ông Ngô Công Luận - Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14/10 chia sẻ thêm: “Khi hình thành được Hợp tác xã thì nuôi tôm có sự thống nhất với nhau từ quy trình nuôi cho đến việc cùng tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn phát sinh khi nuôi, ví dụ như cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý dịch bệnh, liên kết từ đầu vào đến đầu ra để sử dụng được vật tư đầu vào vừa chất lượng vừa có giá thành hợp lý. Điều quan trọng là cùng nhau áp dụng đồng bộ các quy trình nuôi đạt chuẩn để con tôm của hợp tác xã có đầu ra ổn định với giá cả cao hơn so với mặt bằng chung ngoài thị trường”.

    Mặc dù đã có những tín hiệu đáng mừng, nhưng vấn đề liên kết giữa Hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Phần lớn các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh còn yếu, công nghệ và thiết bị lạc hậu, các công đoạn sử dụng lao động thủ công chiếm phần lớn, hàng hóa xuất khẩu chưa đa dạng. Việc ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn rất hạn chế nên tình trạng sản phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch dễ bị hư hỏng, không bảo quản được lâu dài dẫn đến tổn thất về kinh tế cho người dân. Quy mô của mỗi chuỗi còn nhỏ lẻ, sản lượng chưa ổn định, nhiều sản phẩm chuỗi còn phụ thuộc vào mùa vụ nên việc liên kết đầu ra còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, tại tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa có điểm tập trung bán các sản phẩm được xác nhận chuỗi nên cũng gây khó khăn nhiều cho người tham gia chuỗi bởi đầu ra sản phẩm chưa thật sự khác biệt với các sản phẩm thông thường.

    Để kinh tế tập thể thật sự phát huy được hiệu quả. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp trên các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, các khu vực có sản phẩm đặc trưng, các hình thức mở rộng chú trọng quy mô thành viên; nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát huy vai trò làm chủ, lợi ích của các thành viên. Thúc đẩy các tổ hợp tác, hợp tác xã áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt như: Kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao, VietGAP, ASC, ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp thân thiện môi trường định hướng hữu cơ. Tiếp tục triển khai kịp thời các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp lớn làm “đầu mối” trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

    Hiện nay, nông sản Việt Nam đã có nhiều cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường càng rộng mở thì những yêu cầu đặt ra cũng ngày càng khắt khe hơn. Chính vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn trong việc tăng cường kết nối cơ hội hợp tác giữa hợp tác xã và doanh nghiệp thì mỗi tổ chức nông dân cũng cần nhạy bén hơn trong khâu canh tác, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để có thể mang đến những mặt hàng nông sản vừa đẹp về mẫu mã vừa an toàn về chất lượng; từng bước nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm cùng chủng loại cả với thị trường trong và ngoài nước.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 215
  • Trong tuần: 70,642
  • Tất cả: 11,802,649